CÁC NỘI DUNG VỀ AN TOÀN ĐIỆN

Luật điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03/12/2004, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực số 24/2012/QH13 ngày 20/11/2012, Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018 về Luật điện lực có 07 Quy định về an toàn điện áp dụng chung cho mọi cá nhân/tổ chức đang sinh sống tại Việt Nam, các quy định này tập chung ở điều 50, 51, 52, 53, 57, 58, 59 của Luật điện lực năm 2004. Mục đích quan trọng của các quy định này là đảm bảo an toàn lao động, phòng tránh các tai nạn do điện gây ra.

Đối với các doanh nghiệp, căn cứ trên các quy định bắt buộc về an  toàn điện của Việt Nam đang hiện hành, cần xây dựng thêm các chính sách riêng dựa trên đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản của đơn vị cũng như của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nhằm góp phần loại trừ tối đa các nguy cơ tai nạn do điện gây ra, mỗi tổ chức, cá nhân cần tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến an toàn điện. Tuyệt đối không tham gia trực tiếp vào việc vận hành, sửa chữa các thiết bị điện nếu không có chuyên môn, nên tham gia các khóa học phòng tránh tai nạn do điện gây ra.

QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN ĐIỆN

Điều 50. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp

  1. Hành lang an toàn lưới điện cao áp là khoảng không gian giới hạn dọc theo đường dây tải điện hoặc bao quanh trạm điện và được quy định cụ thể theo từng cấp điện áp.
  2. Hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bao gồm:
  3. a) Hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không;
  4. b) Hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm;
  5. c) Hành lang bảo vệ an toàn trạm điện.
  6. Chính phủ quy định cụ thể về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Điều 51. Bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không

  1. Chủ sở hữu hoặc người sử dụng nhà ở, công trình đã được phép tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không được sử dụng mái hoặc bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình vào những mục đích có thể vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp và phải tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi sửa chữa, cải tạo nhà ở, công trình.
  2. Trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thoả thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở, công trình này.
  3. Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.
  4. Cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trường hợp đặc biệt, do yêu cầu cấp bách của công tác quốc phòng, an ninh, phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.
  5. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường bộ, đường sắt, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 4,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Trường hợp điểm cao nhất trên phương tiện vận chuyển có chiều cao lớn hơn 4,5 mét thì chủ phương tiện phải liên hệ với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp để thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết.
  6. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường sắt dành cho tàu chạy điện, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng 7,5 mét cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.
  7. Ở những đoạn giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường thuỷ nội địa, chiều cao tối thiểu của dây dẫn điện tại điểm thấp nhất khi dây dẫn ở trạng thái võng cực đại bằng chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa cộng với khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Phương tiện vận tải thuỷ khi đi qua điểm giao chéo giữa đường dây dẫn điện trên không với đường thuỷ nội địa phải bảo đảm chiều cao không vượt quá chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thuỷ nội địa đó. Khoảng cách an toàn của đường dây dẫn điện trên không giao chéo với tuyến giao thông đường biển được quy định cho từng trường hợp cụ thể.
  8. Khi tiến hành các công việc trên mặt đất, dưới lòng đất ở gần hoặc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không có khả năng ảnh hưởng đến sự vận hành bình thường của đường dây hoặc có nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện thì đơn vị tiến hành những công việc đó phải có sự thoả thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn cần thiết.

Điều 52. Bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm

  1. Cấm đào hố, chất hàng hoá, đóng cọc, trồng cây, xây dựng nhà ở và các công trình khác, thả neo tàu thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm.
  2. Cấm thải nước và các chất ăn mòn cáp, trang thiết bị vào hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm.
  3. Trường hợp thải nước và các chất khác ngoài hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm mà có khả năng xâm nhập, ăn mòn, làm hư hỏng cáp thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng nhà ở, công trình có nước, chất thải phải có trách nhiệm xử lý để không làm ảnh hưởng tới cáp.
  4. Khi thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ trong phạm vi hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm, bên thi công phải thông báo trước ít nhất mười ngày cho đơn vị quản lý công trình lưới điện và phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn đường cáp điện ngầm.

Điều 53. Bảo vệ an toàn trạm điện

  1. Không được xây dựng nhà ở, công trình và trồng các loại cây cao hơn 2 mét trong hành lang bảo vệ an toàn trạm điện; không xâm phạm đường ra vào của trạm.
  2. Nhà ở, công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ của trạm điện phải bảo đảm không làm hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của trạm.

Điều 57. An toàn trong sử dụng điện cho sản xuất

  1. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện để sản xuất phải thực hiện các quy định về an toàn điện, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam.
  2. Các thiết bị, hệ thống thiết bị sử dụng điện, hệ thống chống sét, nối đất phải được kiểm tra nghiệm thu, kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường theo quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện. Sơ đồ của các hệ thống này phải đúng với thực tế và phải được lưu giữ cùng với các biên bản kiểm tra trong suốt quá trình hoạt động.
  3. Trạm điện, trang thiết bị điện cao áp và đường dây cao áp nội bộ phải được lắp đặt và quản lý vận hành theo quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn điện.
  4. Các thiết bị điện phải phù hợp với “Tiêu chuẩn Việt Nam – Thiết bị điện hạ áp – Yêu cầu chung về bảo vệ chống điện giật” và “Tiêu chuẩn Việt Nam – Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện” để chống tai nạn điện giật.
  5. Các đường dẫn điện, dây điện phải được thiết kế, lắp đặt bảo đảm mặt bằng sản xuất thông thoáng, tránh được các tác động cơ học, hoá học có thể gây hư hỏng. Không dùng các kết cấu kim loại của nhà xưởng, máy móc, đường ống kim loại để làm dây “trung tính làm việc”, trừ trường hợp đặc biệt phải có thiết kế riêng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  6. Hệ thống điện tại các khu vực có chất dễ cháy, nổ phải được thiết kế, lắp đặt và sử dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 54 của Luật này.
  7. Các thiết bị điện dùng trong khai thác khoáng sản, dụng cụ điện, thiết bị điện di động, máy hàn, điện phân, mạ điện phải phù hợp với quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn có liên quan.

Điều 58. An toàn trong sử dụng điện cho sinh hoạt, dịch vụ

  1. Tổng công suất sử dụng của các trang thiết bị điện dùng trong văn phòng, phục vụ sinh hoạt và dịch vụ phải phù hợp với công suất thiết kế; dây dẫn điện phải có tiết diện và độ bền cách điện phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật.
  2. Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần đồ vật dễ cháy, nổ.
  3. Các trang thiết bị điện phải được kiểm tra, bảo trì theo quy định, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn về điện và không gây nguy hiểm cho người sử dụng.
  4. Tổ chức, cá nhân sử dụng điện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống điện của mình, kịp thời phát hiện và ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố, tai nạn về điện.
  5. Lưới điện hạ áp chỉ được xây dựng sau khi thiết kế đã được duyệt.
  6. Các nhánh đường dây dẫn điện vào nhà ở, công trình phải bảo đảm các điều kiện về an toàn điện, mỹ quan và không cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông, cứu thương, chữa cháy.
  7. Trong mạch điện ba pha bốn dây, áp-tô-mát, cầu dao, cầu chì và các thiết bị đóng cắt điện khác không được đấu vào dây trung tính.
  8. Trong mạch điện một pha hai dây, cầu chì và công tắc phải đấu vào dây pha, không được đấu vào dây trung tính. Khuyến khích lắp đặt áp-tô-mát, cầu dao hai cực để đóng cắt đồng thời cả hai dây.

Điều 59. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp

  1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
  2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện.
  4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình quy định khu vực được phép sử dụng hàng rào điện.
  5. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quy định tiêu chuẩn và điều kiện sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.

QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐIỆN

  1. Yêu cầu chung về an toàn khi sử dụng một hệ thống điện :

– Ngắt điện mọi thiết bị sau khi ngừng sử dụng, không sử dụng quá tải.

– Không để dây điện (lồi ra) trên lối đi

– Các thiết bị được tiếp đất đúng quy cách.

  1. Các tủ điện phải được đóng kín, tuyệt đối không để bất cứ vật lạ nào bên trong và sau tủ.
  2. Khi thao tác sử dụng thiết bị điện phải tuân thủ :

– Khi khởi động động cơ hoặc làm việc với các thiết bị điện cầm tay phải đứng nơi khô ráo.

– Không được dùng vòi nước xịt rửa các vật mang điện như động cơ, nút bấm, tủ điện, hộp điện nút bấm, hệ thống tự động

– Chỉ được thao tác cắt CB tổng, CB nhánh của tủ điện hoặc nhấn nút dừng khẩn cấp trên tủ (nếu có) khi xảy ra các tai nạn về điện hoặc cháy nổ.

– Không được tự ý đóng điện các khí cụ điện có treo biển báo như:”Đang bảo tri”,” đang sửa chữa”, “Cấm đóng điện” v.v…

– Không tiến hành nghiệm thu các thiết bị điện chưa đảm bảo an toàn điện

– Che chắn cẩn thận, lắp đầy đủ các thiết bị truyền động. Tuyệt đối không được bước qua động cơ, các thiết bị truyền động đang vận hành.

– Phải báo đơn vị sửa chữa điện các hiện tượng rò rỉ điện, dây tiếp đất bị hỏng.

– Khi phát hiện những hiện tượng như mùi khét, cháy v.v.. phải cắt nguồn thiết bị đó và báo ngay cho trưởng bộ phận để xử lý.

– Mọi thiết bị, dây dẫn, phích cắm hoặc dây nối thêm nếu có phát hiện hư hỏng phải lập tức được thay thế, bảo trì và việc này phải được báo cáo cho trưởng trưởng bộ phận.

  1. Nhà máy bảo đảm các thiết bị điện được cung ứng có chất lượng tốt, không sử dụng các thiết bị điện không đạt yêu cầu kỹ thuật. Người phát hiện thiết bị điện không đảm bảo chất lượng phải thông báo ngay chotrưởng bộ phận hoặc người có thẩm quyền.
  2. Khi có yêu cầu thay đổi hệ thống điện (gồm cả việc lắp thếm ổ cắm điện mới); chỉ những người đã được đào tạo mới được phép thực hiện và mọi công việc này phải có sự chấp thuận của Tổ trưởng tổ Cơ điện.
  3. Làm việc với mạng điện 3 pha hoặc thiết bị có điện chỉ được phép thực hiện với những người có chuyên môn về điện ( Nhân viên của Tổ Cơ điện).
  4. Yêu cầu an toàn chung đối với thiết bị điện:

– Tất cả các thiết bị điện đều phải được tiếp đất đúng kỹ thuật. Điểm tiếp đất có thể nối đất trực tiềp tại nơi đặt thiết bị (có đường kính dây nối đất không nhỏ hơn 0.5 lần đường kính dây pha và ³ 4mm2) hoặc nối trung tính từ thiết bị về tủ phân phối (có đường kính dây trung tính không nhỏ hơn 0.7 lần dây pha ). Việc kiểm tra điện trở tiếp đất thiết bị được thực hiện hàng năm cho tất cả các thiết bị điện và kiểm tra tức thời đối với các thiết bị điện lắp đặt mới và có trị số điện trở đất < 4W.

– Phải bảo đảm rằng các thiết bị bảo vệ được lắp đặt như: ÁPTOMÁT, CB, KHỞI ĐỘNG TỪ… là phù hợp, hiệu quả và giới hạn bảo vệ phù hợp.

– Tất cả thiết bị điện được lắp phải phù hợp với ý nghĩa chúng có thể được cách ly khỏi nguồn điện khi cần thiết.

– Cầu dao cắt điện, cầu chì bảo vệ phải nhận diện được thông số kỹ thuật, hộp phân phối phải được đóng kín trừ khi công nhân thực hiện thao tác.

– Không gian làm việc phù hợp là lối đi và ánh sáng phải thông thoáng thích hợp ở các nơi có thiết bị điện gần bên mà quá trình thực hiện công việc có thể gặp nguy hiểm.

– Xác lập điều kiện an toàn tốt nhất khi thực hiện cách ly hệ thống. Ví dụ thiết bị kiểm soát cách ly được khoá cơ học ở vị trí “OFF”. Nơi nào sự cách ly không thực hiện được thì phải bảo đảm cầu chì được tháo bỏ ra và kiểm soát bởi người thực hiện công việc.

– Mọi công việc được thực hiện trên hệ thống thiết bị điện phải được kiểm soát bởi một hệ thống an toàn hoặc qui trình cho phép thực hiện.

– Chỉ những chuyên viên và công nhân điện được đào tạo và có kinh nghiệm được phép làm các công việc trên hệ thống hoặc thiết bị điện.

– Làm việc trên thiết bị điện, công việc phải được Công nhân điện thực hiện với phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp. Ví dụ như kính, bao tay, thảm cách điện dụng cụ cách điện và thiết bị kiểm tra phù hợp ( ví dụ đồng hồ VOM, ampe kềm…)

CÁC THIẾT BỊ, DỤNG CỤ ĐIỆN PHẢI KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT

(Ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BCT ngày 24 tháng 01 năm 2018của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

STT Tên các thiết bị, dụng cụ điện
I Sử dụng ở môi trường không có nguy hiểm về khí cháy và bụi nổ, có cấp điện áp từ 1.000V trở lên
1 Chống sét van
2 Máy biến áp
3 Máy cắt
4 Cáp điện
5 Cầu dao cách ly, cầu dao tiếp địa
II Dụng cụ điện
1 Sào cách điện

Tài liệu tham khảo:

+ Luật điện lực số 28/2004/QH11 ngày 03/12/2004;

+ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật điện lực số 24/2012/QH13 ngày 20/11/2012;

+ Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018;

+ Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực về an toàn điện;

+ Thông tư 31/2014/TT-BCT quy định chi tiết về an toàn điện

+ Thông tư 33/2015/TT-BCT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện;

+ Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BCT năm 2018 về hợp nhất Thông tư quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin tức liên quan